Nhằm triển khai một trong những nội dung của Quyết định số 1266/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050, Viện Vật liệu xây dựng (VIBM) phối hợp với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Giải pháp vật liệu thay thế cho sự phát triển bền vững ngành xây dựng” vào ngày 29/11 tại TP. HCM.

TS. Nguyễn Quang Hiệp – Viện trưởng VIBM phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thân thiện với môi trường là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước Việt nam trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Cho đến nay, những chính sách liên quan đến phát triển ngành VLXD với mục tiêu phát triển bền vững, phát triển xanh, bảo vệ môi trường trong sản xuất VLXD đã được triển khai và đạt những kết quả tốt, như: Việc xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất VLXD; Tận dụng nhiệt thừa khí thải của các nhà máy sản xuất xi măng để phát điện…
Đồng thời, trong những năm qua, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo, đặt hàng, bố trí vốn cho các Viện nghiên cứu, các trường Đại học, các tổ chức, các nhân nghiên cứu các đề tài khoa học liên quan đến phát triển VLXD tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, vật liệu sử dụng phế thải. Đã có rất nhiều các đề tài nghiên cứu khoa học nhằm tái chế phế thải công nghiệp như tro, xỉ, phế thải xây dựng… có giá trị, có khả năng ứng dụng cao được hoàn thành trong thời gian qua. Do đó, Hội thảo lần này cũng là dịp để các đề tài nghiên cứu được công bố và thảo luận.
Hội thảo có sự tham dự của: TS. Nguyễn Quang Hiệp – Viện trưởng VIBM, Bộ Xây dựng; Ông Lê Văn Kế – Phó Vụ trưởng Vụ VLXD, Bộ Xây dựng; Ông Nguyễn Công Thịnh – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng; Ông Marc Goichot – Trưởng Chương trình Nước ngọt, WWF Châu Á Thái Bình Dương; Ông Huỳnh Quốc Tịnh – Giám đốc Chương trình Thực phẩm Bền vững, WWF- Việt Nam; Ông Hà Huy Anh – Quản lý quốc gia dự án Quản lý cát bền vững ở Đồng bằng Sông Cửu Long, WWF- Việt Nam; Bà Phan Thu Hằng – Chủ tịch Hội đồng công trình xanh Việt Nam; Ông Douglas L.Snyder – Giám đốc điều hành Hội đồng công trình xanh Việt Nam.

Ông Lê Văn Kế – Phó Vụ trưởng Vụ VLXD phát biểu tại Hội thảo
Sự kiện cũng đồng thời quy tụ hơn 120 khách mời với đại diện đến từ các Sở, ban, ngành, các doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp, các đơn vị thi công – giám sát, các trường Đại học, Cao đẳng, Viện nghiên cứu, các chuyên gia, các kiến trúc sư,… thuộc lĩnh vực xây dựng.
Nằm trong khuôn khổ chương trình, các diễn giả đã giới thiệu về chiến lược và định hướng của Việt Nam trong phát triển VLXD bền vững bao gồm: kinh tế tuần hoàn, phát thải carbon thấp và chia sẻ các kết quả nghiên cứu đẩy mạnh sử dụng vật liệu, cũng như các giải pháp thay thế như: sử dụng cát nghiền, phế thải phá dỡ công trình, bùn nạo vét… nhằm tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường trong lĩnh vực xây dựng.
Sự kiện lần này cũng là cơ hội để các đơn vị sản xuất, thi công xây dựng cùng nhau tìm kiếm và triển khai các giải pháp để tăng cường việc mục tiêu phát triển bền vững, phát triển xanh, bảo vệ môi trường trong sản xuất VLXD.
Một số hình ảnh trong Hội thảo:






